U đặc giả nhú (UĐGN) của tụy là loại u hiếm gặp và cho đến nay vẫn chưa sáng tỏ về tạo mô học. Năm 1927, lần đầu tiên Gruber Frantz đã phát hiện ra trường hợp UĐGN ở phụ nữ trẻ 19 tuổi và năm 1959 tác giả đã mô tả chi tiết về bệnh học của tổn thương này [17],[25],[84],[42].
Sau đó, UĐGN của tụy cũng được một số tác giả khác đề cập với nhiều tên gọi khác nhau như u Gruber Frantz; u nhú và đặc; u nang nhú; u đặc tạo nang; u biểu mô nhú, nang và đặc; u nhú lành tính hoặc ác tính của tụy; u biểu mô nhú của tụy và ung thư biểu mô tuyến của tụy, thậm chí người ta còn xếp nó vào nhóm các u nội tiết của tụy nội tiết (dẫn theo [43],[52],[84],[42]).
Để thống nhất tên gọi, vào năm 1996, Tổ chức y tế thế giới (WHO)
[43] đã đưa ra thuật ngữ “U đặc giả nhú” với hàm ý mô u có hai loại cấu trúc mô học rõ ràng, gồm cấu trúc đặc và giả nhú. Tiếp đó vào năm 2000, WHO đã cập nhật khá hoàn chỉnh đặc điểm bệnh học của bệnh và xếp chúng vào
nhóm u tụy ngoại tiết có độ ác tính trung gian với định nghĩa “U đặc giả nhú của tụy thường là lành tính, hay gặp ở phụ nữ trẻ, gồm các tế bào đồng nhất tạo thành cấu trúc đặc và giả nhú, thường có ổ chảy máu tạo nang và bộc lộ các dấu ấn miễn dịch khác nhau như dấu ấn biểu mô, dấu ấn trung mô và dấu ấn nội tiết ”[34],[8],[9],[42].
UĐGN chỉ chiếm khoảng 1- 2% các u không nội tiết của tụy [63],[68],[94]. Tuy nhiên trong những năm gần đây, UĐGN của tụy ngày càng được phát hiện nhiều hơn do người ta hiểu rõ hơn về bệnh cũng như ngày càng có nhiều kỹ thuật hiện đại thăm dò phát hiện bệnh [4],[41],[75].
Về tiên lượng, UĐGN có tiên lượng khả quan với 95% bệnh nhân được chữa khỏi sau phẫu thuật cắt bỏ u hoàn toàn, trong khi các u ác tính khác của tụy lại có tiên lượng xấu chỉ với tỉ lệ 1 - 7% sống 5 năm sau phẫu thuật
[4],[5].
Ở Việt Nam, u tụy nói chung và u tụy ngoại tiết nói riêng vẫn ít được các tác giả nghiên cứu, đặc biệt là về lĩnh vực mô bệnh học mới chỉ có nghiên cứu riêng lẻ của các tác giả Hứa Chí Minh, Lê Văn Xuân và Nguyễn Văn Thành công bố nhân một trường hợp UĐGN đăng trên tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, tập ó số 3 trang 49 - 51 năm 2002 [3].
Để đánh giá một cách hệ thống về hình thái học của tổn thương nhằm phân biệt với một số u khác của tụy, đồng thời cũng phần nào giúp các nhà phẫu thuật ngoại khoa có thể nhận định sơ bộ về hình ảnh đại thể tổn thương trong khi phẫu thuật để lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất cho người bệnh, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đặc điểm hình thái học u đặc giả nhú của tụy” với mục tiêu:
- Mô tả đặc điểm đại thể và vi thể u tụy típ đặc giả nhú theo phân loại của WHO năm 2000.
- Xác định mối liên quan giữa đại thể và vi thể của tổn thương.