Ung thư đường mật (UTĐM) là danh từ dùng để chỉ những khối u ác tính xuất phát từ biểu mô của đường mật. Bệnh tương đối hiếm gặp, chiếm 2% tổng số các bệnh ung thư và chiếm khoảng 10%-15% trong các ung thư nguyên phát của gan. Bệnh có tính chất ác tính cao, tiên lượng xấu và hầu hết bệnh nhân tử vong trong vòng 6 tháng đến 1 năm nếu không thể phẫu thuật cắt bỏ được khối u. Đặc điểm của bệnh là tiến triển âm thầm, lặng lẽ nênthường chẩn đoán muộn. Do vậy, việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ phẫu thuật cắt được u và tỷ lệ phẫu thuật triệt căn còn thấp [40], [44].
Đa số các trường hợp UTĐM không tìm thấy yếu tố bệnh nguyên [48]. Tuy nhiên một số yếu tố nguy cơ đã được xác nhận như: xơ hoá đường mật nguyên phát, nang ống mật chủ, nhiều u nhú trong đường mật, sán lá gan, sỏi mật, bệnh Caroli, viêm gan C...[43], [44], [45], [50], [51]. Trong đó, sỏi mật là yếu tố nguy cơ rất lớn của UTĐM. Trên thế giới, tỷ lệ bệnh nhân UTĐM có sỏi mật từ 1,5 - 9,4% [15], [55], [57], [58], [73], [76], [77], [84], [91]. Ở nước ta, tại bệnh viện Việt Đức giai đoạn 2002 -2005, UTĐMTG có sỏi mật kèm theo là 28,5%, UTĐMNG có sỏi mật kèm theo là 15,5% [15], [28], [37]. Liên quan giữa UTĐM và sỏi mật đã được nhiều tác giả nghiên cứu kể từ sau thông báo của Sane và Mac Callum năm 1942. Jan .J.J thì cho rằng sự tiếp xúc lâu dài của đường mật với dịch mật nhiễm trùng cùng với các sản phẩm chuyển hoá của vi khuẩn trong đường mật, sự kích thích cơ học của sỏi, sự mất ổn định của đường mật (trào ngược, ứ mật, ...) là những yếu tố tham gia vào cơ chế bệnh sinh của UTĐM [67]. Đến nay Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu về UTĐM. Tại bệnh viện Việt Đức, năm 1987 Đỗ Kim Sơn đã báo cáo 3 trường hợp được phẫu thuật u bóng Vater. Năm 2004, Đoàn Thanh Tùng và cộng sự đã nghiên cứu UTĐM trong gan [42]. Năm 2005
Nguyễn Tiến Quyết và cộng sự nghiên cứu UTĐM ngoài gan [29]. Năm 2006 Đoàn Thanh Tùng và cộng sự báo cáo tình hình UTĐM tại bệnh viện Việt Đức giai đoạn 2001-2005 [44]... Trong thực tế, UTĐM trên bệnh nhân có sỏi mật dễ bị bỏ sót, do lâm sàng của bệnh cảnh sỏi mật thường điển hình hơn và yếu tố sỏi che khuất tổn thương ung thư trên chẩn đoán hình ảnh. Tới nay, chưa có đề tài nào nghiên cứu UTĐM có sỏi mật kèm theo.
Vì vậy chúng tôi thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị phẫu thuật ung thư đường mật có sỏi đường mật kèm theo” tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức”, với hai mục tiêu:
1.Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tổn thương ung thư đường mật có sỏi mật kèm theo.
2.Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật ung thư đường mật có sỏi mật kèm theo.