Chấn thương cột sống cổ (CSC) là chấn thương rất nặng và hay gặp trên toàn thế giới, tập trung chủ yếu ở độ tuổi lao động. Tại Mỹ hàng năm có thêm khoảng 20.000 trường hợp chấn thương CSC cùng với hàng trăm ngàn nạn nhân đang phải sống cùng với những di chứng nặng nề sau chấn thương CSC đã tiêu tốn của Mỹ một nguồn ngân sách khoảng 8 tỉ đôla[17], [63] . Tại châu Âu hàng năm cũng có 40.000 ca tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến chấn thương CSC [36]. Ở nước ta hiện nay tỉ lệ chấn thương CSC ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Hậu qủa để lại nặng nề làm giảm chất lượng sống của người bệnh, xã hội cũng mất đi một phần nhân lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Cột sống cổ chia làm hai tầng: cột sống cổ cao và cột sống cổ thấp. Cột sống cổ cao gồm hai đốt sống C1 và C2, còn lại từ C3 đến C7 là cột sống cổ thấp. Riêng ở C2, phía trước ở giữa mặt trên của thân đốt sống nhô lên một cấu trúc xương gọi là mỏm nha.
Gãy mỏm nha là tổn thương thường gặp trong chấn thương cột sống cổ cao vàthương tổn rất phức tạp, tỉ lệ tử vong cao. Theo Võ Văn Thành, Hà Kim Trung trong chấn thương cột sống cổ cao, tỉ lệ gãy mỏm nha chiếm tới 46,15% [1], [4], [6]. Tuy tổn thương rất nặng và để lại nhiều di chứng tàn tật nhưng triệu chứng lâm sàng ban đầu nghèo nàn, khó chẩn đoán và dễ bỏ sót đặc biệt là tuyến đầu. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng và di chứng của gãy mỏm nha là các tổn thương mất vững như di lệch và khớp giả, hạn chế hoặc mất các cử động xoay của đầu. Lâu dần có thể dẫn đến các thương tổn nặng khác có thể gây tử vong.
Trước đây tại Việt Nam khi trang thiết bị chẩn đoán, phương tiện phẫu thuật còn hạn chế nên đa số các trường hợp chấn thương cột sống cổ đều được điều trị bảo tồn. Bất động bằng bột Minerve hoặc phương pháp kéo liên tục Crutchfield dẫn đến phần lớn bệnh nhân tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong. Những năm gần đây khi sự gia tăng nhanh chóng của nhiều phương tiện chẩn đoán hiện đại như chụp cắt lớp vi tính(CT), chụp cộng hưởng từ hạt
nhân(MRI) đã góp phần không nhỏ trong việc phát hiện rõ, chính xác, giúp phân loại cụ thể các tổn thương để từ đó có thái độ xử trí đúng đắn.
Từ tháng 5.2008 đến 5.2010 có 41 trường hợp gãy mỏm nha được điều trị tại bệnh viện Việt Đức. Để giúp cho công tác chẩn đoán và điều trị gãy mỏm nha đạt kết quả cao hơn trong tương lai Chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài:
“Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và kết quả điều trị gãy mỏm nha do chấn thương tại bệnh viện Việt Đức”
Với 2 mục tiêu sau:
1. Mô tả đặc điểm lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh của gãy mỏm nha.
2. Đánh giá kết quả điều trị gãy mỏm nha do chấn thương.