CHIẾN LƯỢC CHẨN ĐOÁN QUẢN LÝ VÀ DỰ PHÒNG BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (COPD) TOÀN CẦU
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là tình trạng bệnh có rối loạn thông khí tắc nghẽn mà không có khả năng hồi phục hoàn toàn. Sự rối loạn thông khí thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi do các phân tử hoặc khí độc hại. Năm 1990 BPTNMT là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 6 với 2,2 triệu người chết, đến năm 2020 BPTNMT sẽ là nguyên nhân gây chết đứng hàng thứ 3.
1. Các yếu tố nguy cơ
1.1. Hút thuốc lá: Là yếu tố nguy cơ gây COPD hàng đầu, hút thuốc làm tăng nguy cơ bị BPTNMT hơn gấp 10 lần so với người không hút thuốc. 80 - 90% bệnh nhân COPD đều có hút thuốc. Tới 50% những người hút thuốc lâu dài sẽ bị COPD. Hút thuốc lá thụ động cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
1.2. Ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm môi trường trong nhà với khói lò sưởi, khói bếp rơm, rạ, củi, than... ước tính là căn nguyên gây bệnh ở khoảng 20% các trường hợp COPD trên thế giới. Ô nhiễm không khí với khói của các nhà máy, khói của các động cơ giao thông, khói, bụi nghề nghiệp cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
1.3. Các yếu tố khác: Thiếu a1- antitrypsin là yếu tố di truyền được xác định chắc chắn gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tăng tính phản ứng của phế quản cũng là yếu tố nguy cơ làm phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
2. Chẩn đoán xác định COPD
Cần nghĩ đến COPD ở những bệnh nhân có các triệu chứng: ho, khạc đờm và/ hoặc tiền sử phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ: hút thuốc lá, thuốc lào, tiếp xúc khói, bụi công nghiệp và bụi gia đình. Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán COPD là rối loạn thông khí tắc nghẽn (RLTKTN) không hồi phục hoàn toàn khi đo chức năng thông khí với test phục hồi phế quản.
Khi có rối loạn thông khí tắc nghẽn với các chỉ số Tiffeneau hoặc Gaensler <70% thì làm test phục hồi phế quản. Nếu FEV1 sau test tăng được < 12%, các chỉ số Tiffeneau hoặc Gaensler vẫn <70% khi đó được xem là test âm tính, chẩn đoán chắc chắn là COPD và loại trừ chẩn đoán hen phế quản.