Helicobacter pylori (H.pylori) có thể gây viêm dạ dày mạn tính tiến triển, đồng thời là yếu tố nguy cơ đối với loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày và MALT (mucosa associated lymphoid tissue) lymphoma. Năm 1994, dựa trên các minh chứng dịch tễ học, H.pylori được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm I có khả năng gây ung thư ở người. Việt Nam là khu vực có tỷ lệ nhiễm H.pylori cao của thế giới, tỷ lệ ung thư dạ dày của Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong khu vực (Thái Lan và Indonesia) và thuộc mức độ cao của thế giới, chỉ thấp hơn Nhật bản và xấp xỉ với Trung Quốc, Hàn Quốc. Ung thư dạ dày là một trong năm loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam.
Nghiên cứu vai trò H.pylori đối với ung thư dạ dày được nhiều nhà nghiên cứu Y học quan tâm, hai yếu tố của H.pylori được đề cập nhiều nhất trong quá trình sinh bệnh học là protein CagA do gen cagA nằm trên vùng cagPAI (pathogenicity island) mã hóa và protein VacA do gen vacA mã hóa. Gen vacA được chia làm ba kiểu gen chính là s1/m1, s1/m2 và s2/m2, trong đó kiểu gen s2/m2 không có khả năng tạo độc tố và kiểu gen s1/m1 có khả năng tạo độc tố lớn nhất trong ba kiểu gen của gen vacA. Sự hiện diện của gen vacA được tìm thấy ở tất cả các chủng H.pylori trên toàn thế giới [8; 9; 10].
Ngược lại, gen cagA chỉ hiện diện trên khoảng 50 - 60% ở các chủng H.pylori thuộc các nước phương Tây và bắc Mỹ. Tuy nhiên tại khu vực đông Á và đông nam châu Á, gần như toàn bộ các chủng H.pylori đều mang gen cagA. Nguồn gốc xuất xứ của gen cagA, vùng cagPAI hiện nay chưa được biết rõ, các nhà y học vẫn đang nỗ lực đi tìm lời giải với giả thuyết vùng cagPAI và gen cagA thâm nhập vào bộ gen của H.pylori theo một cơ chế lây nhiễm ngang từ một loài vi khuẩn gram âm. Đến nay, kết quả các nghiên cứu trên thế giới cho thấy protein CagA là yếu tố quan trọng nhất của H.pylori đối với quá trình bệnh lý, đặc biệt là đối với ung thư dạ dày. Phân tử protein CagA được bài xuất trực tiếp từ H.pylori vào bên trong tế bào biểu mô dạ dày thông qua cơ chế bài xuất protein loại IV (type IV secretion system). Khi vào bên trong tế bào, protein CagA sẽ được phosphoryl hóa, sau đó tạo lên một loạt tác động với một số thành phần bên trong tế bào biểu mô dạ dày dẫn đến quá trình tác động làm tăng khả năng tăng sinh và biến đổi hình thái của tế bào biểu mô dạ dày [1; 4; 5; 6; 7].
Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu Nhật Bản chỉ ra rằng, phân tử protein CagA có thể được chia làm hai loại chính: Tây Âu (Western CagA) và Đông Á (East Asian CagA), cơ sở phân chia này dựa trên đặc điểm mô - típ EPIYA (Glu - Pro - Ile - Tyr - Ala) thuộc đầu carboxyl tận (- COOH) của phân tử protein CagA (hay thuộc phía đầu 3 của gen cagA). Trong đó, protein CagA loại Đông Á có khả năng gây viêm dạ dày mạn tính dai dẳng với độ hoạt động cao hơn, mức độ viêm teo nhiều hơn, có khả năng làm biến thái tế bào và nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn so với protein CagA loại Tây Âu [2; 3; 5; 6].
Các nghiên cứu về đặc điểm vai trò gây bệnh của H.pylori ở bệnh nhân Việt Nam cũng tương đối phong phú. Tuy nhiên phần lớn các nghiên cứu này mới đề cập đến khía cạnh dịch tễ học, lâm sàng mối liên quan giữa tỷ lệ nhiễm H.pylori với các nhóm bệnh nhân khác nhau (viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày), điều trị và mức độ kháng thuốc. Một số nghiên cứu đề cập đến hình ảnh giải phẫu bệnh: tổn thương viêm teo, mức độ viêm, tỷ lệ dị sản ruột, loạn sản. Các nghiên cứu đề cập ở mức độ phân tử còn rất ít và chủ yếu mới đề cập ở mức sự có mặt của protein CagA và protein VacA trên chủng H.pylori ở bệnh nhân Việt Nam thuộc các nhóm đối tượng nghiên cứu khác nhau.
Nhằm góp phần đi sâu tìm hiểu đặc điểm H. pylori trên bệnh nhân Việt Nam ở mức độ phân tử, chúng tôi tiến hành nghiên cứu với mục tiêu:
Tiến hành giải trình tự gene toàn bộ gen cagA của H.pylori ở bệnh nhân Việt Nam. Đánh giá một số đặc điểm gen cagA và bước đầu phân tích đặc điểm mô - típ EPIYA, phân loại protein CagA theo bản giải trình tự toàn bộ gen cagA.
Chủng Helicobacter pylori (H.pylori) mang gen cagA có khả năng gây tổn thương viêm teo và ung thư thư dạ dày cao hơn so với chủng không mang gen cagA. Mục tiêu: tiến hành giải trình tự toàn bộ gen cagA và bước đầu phân tích, phân loại protein CagA ở chủng H.pylori trên bệnh nhân Việt Nam. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu bao gồm 5 mẫu H.pylori ở bệnh nhân tại thành phố Hồ Chí Minh. H.pylori được nuôi cấy và làm PCR để xác định trước khi tiến hành giải trình tự gen toàn bộ. Phân tích và xây dựng cây phân loại sinh học bằng các chương trình xử lý sinh học. Kết quả: chiều dài chức năng gen cagA ở chủng H.pylori trên bệnh nhân Việt Nam 3480 - 3588 nucleotid, số lượng amino acid tương ứng trên phân tử protein CagA 1159 - 1195 amino acids. Tất cả các phân tử protein CagA đều thuộc loại Đông Á. Tuy cùng thuộc loại protein CagA đông Á, chủng H.pylori ở bệnh nhân Nhật Bản và Việt Nam thuộc về hai nhóm khác nhau trên cây phân loại sinh học. Kết luận: nghiên cứu bước đầu cho thấy H.pylori protein CagA ở bệnh nhân tại thành phố Hồ Chí Minh thuộc loại đông Á.