Thiếu máu là một bệnh lý rất phổ biến. Các nghiên cứu ước tính có khoảng 30% dân số trên thế giới bị thiếu máu. Thiếu máu gặp ở mọi lứa tuổi và cả hai giới, nhưng tỷ lệ ở trẻ em và phụ nữ cao hơn nhiều (26% trẻ em ở các nước phát triển và 77% trẻ em ở các nước kém phát triển, 33% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước phát triển và 94% ở các nước kém phát triển bị thiếu máu) [11].
Bệnh thiếu máu thiếu sắt được biết đến và mô tả từ thế kỷ 17. Đầu thế kỷ 18, Menghini đã khám phá ra sắt là thành phần quan trọng của máu. Hiện nay, bằng các phương pháp và kỹ thuật xét nghiệm có độ chính xác cao, các nhà khoa học đã phát hiện được nhiều vai trò quan trọng của sắt trong cơ thể, đặc biệt là trong quá trình tạo máu.
Ở Việt nam đã có nhiều nghiên cứu về thiếu máu dựa trên nguyên nhân gây bệnh, theo nhóm dân cư, lứa tuổi hay theo đặc điểm hình thái tế bào. Tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa hình thái tế bào với đặc điểm chuyển hoá sắt theo nhóm bệnh lý. Từ năm 2008 Viện Huyết học
Truyền máu trung ương (Viện HH-TM TW) đã triển khai thêm được nhiều xét nghiệm cao cấp mới trong đó có các xét nghiệm đánh giá chuyển hoá sắt. Để góp phần tìm hiểu giá trị của các xét nghiệm tế bào máu và chuyển hoá sắt rồi ứng dụng vào thực tế lâm sàng nhằm sàng lọc và phân loại thiếu máu, từ đó có hướng chẩn đoán và điều trị thích hợp cho bệnh nhân, chúng tôi tiến hành đề tài với các mục tiêu sau:
1. Tìm hiểu những biến đổi máu ngoại vi và chuyển hoá sắt ở một số nhóm bệnh lý thiếu máu (Thiếu máu thiếu sắt, beta thalassemia HbE, suy tuỷ xương và rối loạn sinh tuỷ.)
2. Tìm hiểu sự thay đổi của các chỉ số máu ngoại vi và chuyển hoá sắt
trong quá trình điều trị bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt.