Dậy thì là giai đoạn phát triển từ trẻ em thành người trưởng thành. Đây là thời kỳ có những biến động lớn về mặt thể chất, tâm lý và đặc biệt là sự trưởng thành các chức năng sinh dục.
Giai đoạn phát triển dậy thì kéo dài trung bình 3 năm (dao động từ 2 đến 5 năm). Mốc đánh dấu dậy thì đối với trẻ trai là thể tích tinh hoàn tăng trên 4 ml, đối với trẻ gái là tuyến vú phát triển. Tuổi khởi phát dậy thì thay đổi khác nhau giữa các cá nhân, các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Trẻ khoẻ mạnh bình thường, tuổi trung bình bắt đầu dậy thì ở trẻ gái là 10-11 tuổi [51]; [54]; [57], trẻ trai là 11,6 (dao động từ 9,5 đến 13,5) [49]. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Nguyễn Phú Đạt năm 2002 tuổi bắt đầu dậy thì trung bình đối với trẻ gái là 11 năm 10 tháng, trẻ trai là 13 năm 5 tháng [5]. Trong thập kỷ gần đây tuổi bắt đầu dậy thì thường sớm hơn. Cho đến nay, lý do gây khởi phát sớm dậy thì còn chưa rõ tuy nhiên một số yếu tố như chế độ dinh dưỡng được cải thiện, tăng tỉ lệ béo phì, sử dụng hocmon, môi trường sống, các tương tác xã hội được xem như là những tác động mang tính thúc
đẩy.
Tăng sản thượng thận bẩm sinh là bệnh nội tiết nhi khá phổ biến do thiếu hụt hoặc không có một trong năm enzym tham gia tổng hợp cortisol. Tỉ lệ bệnh khoảng 1/14.000 đến 1/25.000 trẻ sơ sinh [2]; [36]; [51]; [64]; [71] với 90-95% các trường hợp là do thiếu hụt enzym 21 hydroxylase [35]; [36]; [47]; [64]; [72]. Bệnh viện Nhi Trung Ương hiện có 514 bệnh nhân TSTTBS đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Nội tiết -Chuyển hoá - Di truyền trong đó 160 trẻ ở tuổi dậy thì chiếm tỉ lệ khoảng 31 %.
Trong TSTTBS do đặc điểm của bệnh quá trình dậy thì bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Tình trạng tăng sản xuất androgen dẫn đến dậy thì sớm giả ở nam trẻ lớn nhanh, cơ bắp phát triển, giọng nói ồm, mọc râu, lông mu, trứng cá, tuổi xương lớn hơn tuổi thực... trẻ nữ có hiện tượng nam hoá bộ phận sinh dục ngoài, âm vật to như dương vật.
Phát triển dậy thì luôn là mối quan tâm của bản thân các em, gia đình và nhân viên y tế. Bệnh nhân TSTTBS phải dùng liệu pháp hormon thay thế suốt đời. Nếu không được điều trị kịp thời, đủ liều và liên tục sẽ ảnh hưởng đến dậy thì và chiều cao cuối khi trưởng thành.
Các nghiên cứu trên thế giới về TSTTBS đều thấy rằng chiều cao cuối của trẻ thấp hơn so với chiều cao của quần thể quốc gia [39]; [41]; [46]; [52];
[70] ; [71]. Tuy nhiên có sự khác nhau trong nhận định về thời điểm bắt đầu dậy thì. Có tác giả đánh giá thời điểm này trong giới hạn bình thường [46];
[71] nhưng cũng có kết quả cho thấy trẻ bước vào dậy thì sớm hơn [52]; [70] . Tại Việt Nam, các nghiên cứu tập trung nhiều về đặc điểm lâm sàng, thuốc sử
dụng trong điều trị trong khi các nghiên cứu về tuổi vị thành niên và dậy thì còn chưa nhiều. Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này với 2 mục tiêu:
1. Đánh giá phát triển dậy thì ở trẻ vị thành niên bị bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh được điều trị tại bệnh viện Nhi Trung Ương.
2. Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến dậy thì ở trẻ vị thành niên bị bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh.