Khớp gối là một khớp động với hoạt động chính là gấp và duỗi, có biên độ vận động lớn và đóng vai trò chịu lực chính của cơ thể con người. Do vậy, ngoài sự thoái hóa theo tuổi thọ, khớp gối rất dễ bị tổn thương và trên thực tế lâm sàng số lượng bệnh nhân có bệnh lý ở khớp gối cần được điều trị ngày càng tăng trong đó nguyên nhân do chấn thương ngày càng chiếm đa số. Vấn đề sửa chữa những thương tổn của khớp gối vẫn luôn được coi là khó, đặc biệt là khả năng phục hồi chức phận của khớp.
Hạn chế biên độ vận động khớp gối sau chấn thương là bệnh lý thường gặp ở nhiều mức độ, thể hiện ở một trong 3 hình thái: hạn chế gấp, hạn chế duỗi, hoặc hạn chế cả gấp và duỗi [3]. Dù thuộc loại nào và ở mức độ nào thì di chứng này cũng là sự phiền toái trong sinh hoạt, làm giảm khả năng lao động và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý này: phục hồi chức năng đơn thuần, phẫu thuật mở gỡ dính khớp gối, phẫu thuật nội soi gỡ dính khớp gối,... Tuy nhiên, vấn đề điều trị di chứng hạn chế vận động khớp gối sau chấn thương hiện nay chưa có một quy chuẩn cho việc chỉ định các biện pháp điều trị: khi nào thì tập phục hồi chức năng đơn thuần, khi nào thì mổ nội soi, trường hợp nào cần thiết phối hợp mở nhỏ, khi nào thì mổ mở với đường mổ rộng rãi, các tổn thương kèm theo xử trí ra sao...? [10].
Cùng với sự tiến bộ của y học thế giới, tại Việt Nam đã ứng dụng nội soi vào chẩn đoán và phẫu thuật đã cho thấy kết quả điều trị cao hơn hẳn so với những phẫu thuật kinh điển trước đây. Trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình, kỹ thuật nội soi khớp cũng đang được ứng dụng cho thấy với can thiệp tối thiểu nhưng khả năng phục hồi chức phận của khớp đạt được rất khả quan. Với bệnh lý hạn chế vận động khớp gối sau chấn thương, phẫu thuật nội soi bước đầu được ứng dụng vào điều trị và đã cho thấy những kết quả tốt.
Theo Ngô Văn Toàn trong nhiều trường hợp mà tổn thương cấu trúc xương và các cấu trúc phần mềm ngoài khớp không nhiều, di chứng hạn chế vận động khớp gối sau chấn thương chủ yếu là do tổn thương các phần mềm trong khớp thì phẫu thuật nội soi có thể là một lựa chọn mới cho việc điều trị hạn chế vận động khớp gối sau chấn thương với tỷ lệ tốt là 85,7% [10].
Theo Trương Công Dũng và Nguyễn Văn Quang, khi điều trị 10 bệnh nhân hạn chế vận động khớp gối bằng phẫu thuật nội soi cho tỷ lệ tốt là 70% [1].
Tuy nhiên các báo cáo trên mới dừng lại ở kết quả ban đầu với số lượng bệnh nhân phẫu thuật còn hạn chế, chưa thống nhất về chỉ định cũng như kỹ thuật và quy trình phục hồi chức năng sau mổ. Vì vậy, chúng tôi thực hiện đề tài “Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi điều trị hạn chế vận động khớp gối sau chấn thương” với những mục tiêu sau:
1. Mô tả đặc điểm tổn thương của hạn chế vận động khớp gối sau chấn thương.
2. Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi điều trị hạn chế vận động khớp gối sau chấn thương.