Tuân thủ đúng nguyên tắc điều trị (NTĐT) bệnh lao là điều kiện tiên quyết, quyết định kết quả điều trị, giảm tình trạng kháng thuốc. Từ năm 1999, DOTS (Directly Observed Treat- ment Short Course) do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo được Chương trình phòng chống bệnh lao Quốc gia (CTCLQG) thực hiện. Thực hiện DOTS là trực tiếp giám sát từng liều thuốc của bệnh nhân, đảm bảo bệnh nhân dùng đúng loại thuốc, đúng liều, đều đặn và đủ thời gian. DOTS là phương sách chủ yếu nhất đảm bảo cho sự thành công điều trị, rút ngắn thời gian lan truyền bệnh và tránh kháng thuốc [2].
Phòng khám lao thuộc quận Hai Bà Trưng có số bệnh nhân lao nhiều nhất thành phố, tỷ lệ mắc lao cao nhất trong các quận nội thành [3]. Mỗi năm phòng khám này thu nhận khoảng 300 bệnh nhân lao. Tỷ lệ điều trị khỏi năm 2009 ở đây chỉ đạt 78%, thấp nhất trong tất cả các quận huyện của Hà Nội. Trong khi đó, mục tiêu CTCLQG là đạt tỷ lệ khỏi trên 90%. Thực hiện DOTS ở phòng khám còn gặp nhiều khó khăn. Đề tài nghiên cứu nhằm mục tiêu: Mô tả thực trạng và những khó khăn trong thực hiện DOTS của cán bộ y tế tại phòng khám lao quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
Nghiên cứu sử dụng thiết kế cắt ngang, kết hợp định lượng và định tính. Mẫu định lượng được chọn toàn bộ 174 bệnh nhân lao phổi được thu nhận quản lý, điều trị tại phòng khám lao Hai Bà Trưng kể từ tháng 1- 12/2009. Mẫu định tính được chọn có chủ đích, phỏng vấn sâu 10 cán bộ y tế và 12 bệnh nhân.
Thu thập số liệu định lượng bằng phỏng vấn trực tiếp tại nhà bệnh nhân, sử dụng bộ câu hỏi có cấu trúc để phỏng vấn kiến thức, thái độ, thực hành của bệnh nhân về việc tuân thủ điều trị DOTS và tìm ra các yếu tố liên quan.
Tình hình bệnh lao trong những năm gần đây đã có xu hướng quay trở lại và trầm trọng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp (DOTS) là biện pháp hiệu quả giúp tăng cường tuân thủ điều trị, bảo đảm hiệu quả điều trị và tránh kháng thuốc. Mục tiêu nghiên cứu nhằm mô tả thực trạng và những khó khăn trong thực hiện DOTS của cán bộ y tế tại phòng khám lao quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy thực hiện DOTS ở phòng khám còn nhiều bất cập, dẫn đến tuân thủ các nguyên tắc điều trị còn chưa cao. Có 89% bệnh nhân được cấp thuốc hàng ngày tại trạm y tế trong giai đoạn tấn công, cấp thuốc nửa tháng 1 lần trong giai đoạn duy trì là 61%. Giám sát tại nhà chỉ được thực hiện với 62% bệnh nhân. Giám sát cả đợt điều trị trên một tháng một lần chiếm tỷ lệ 10,3%. Hình thức giám sát nhắc nhở, qua điện thoại vẫn là chủ yếu, chiếm 58%. Cần tăng cường giám sát thực hiện DOTS cho cán bộ chống lao phường, nâng cao kiến thức về DOTS cho bệnh nhân và cán bộ chống lao.