Tổn thương mắt trong bệnh lý dị ứng thuốc đã để lại nhiều biến chứng và có nhiều hình thái tổn thương. Với mục tiêu là mô tả đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân dị ứng do thuốc tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai từ tháng 8/2010 đến tháng 4/2011 và bước đầu nghiên cứu đặc điểm tổn thương kết giác mạc ở bệnh nhân dị ứng thuốc này, đề tài đánh giá trên nhóm đối tượng là 25 bệnh nhân được chẩn đoán dị ứng thuốc, điều trị nội trú tại khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai từ tháng 8/2010 đến tháng 4/2011. Kết quả bước đầu cho thấy: đường vào phổ biến gây dị ứng thuốc là đường uống (72%), tiếp đó là đường tiêm (16%). Kháng sinh là nguyên nhân gây dị ứng hay gặp nhất (52%), đứng thứ hai là nhóm thuốc Đông y (20%). Các kết luận được rút ra là ở các bệnh nhân có S.J.S hay hội chứng Lyell tổn thương lâm sàng ở mắt thường gặp trong giai đoạn cấp như sau: cương tụ, xung huyết kết mạc, tiết tố nhày, viêm bờ mi 9/9 (100%) trường hợp. Tổn thương giác mạc dạng chấm: 44,44. Dính mi cầu 22,22%. Tổn thương mắt như kết mạc cương tụ, xung huyết hay tiết nhày không phải chỉ gặp ở hai hội chứng Stevens Johnson và Lyell mà còn gặp trong một số hình thái dị ứng khác.
Các cơ quan trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng bởi dị ứng thuốc, trong đó da là cơ quan hay gặp tổn thương nhất với rất nhiều hình thái khác nhau [1, 2]. Tổn thương da xuất hiện sớm và dễ phát hiện nên việc đánh giá các tổn thương da sẽ góp phần chẩn đoán sớm dị ứng thuốc. Tổn thương mắt nặng thường gặp trong hội chứng Stevens Johnson và hội chứng Lyell [5, 6]. Đây là hai hội chứng nặng của dị ứng thuốc với các rối loạn về nước và điện giải cũng như các biến chứng nhiễm trùng có thể gây tử vong. Trong khi đó việc khám mắt trong giai đoạn sớm của bệnh là rất quan trọng để phát hiện những hình thái tổn thương về mắt từ đó có những biện pháp điều trị đặc hiệu [4, 3, 6]. Vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài này nhằm mục tiêu sau:
Mô tả đặc điểm lâm sàng sớm của bệnh nhân dị ứng do thuốc tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai từ tháng 8/2010 đến tháng 4/2011.
Bước đầu nghiên cứu đặc điểm tổn thương kết giác mạc ở bệnh nhân có hội chứng Stevens- Johnson và Lyell do dị ứng thuốc.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
1. Đối tượng
25 bệnh nhân được chẩn đoán là dị ứng thuốc, điều trị nội trú tại khoa Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai từ tháng 8/2010 đến tháng 4/2011.
Tiêu chuẩn chẩn đoán dị ứng thuốc: các triệu chứng xảy ra sau dùng thuốc, tổn thương kết giác mạc có kèm các tổn thương da và niêm mạc như mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay..
Tiêu chuẩn loại trừ: bệnh nhân có biểu hiện dị ứng nhưng không liên quan đến quá trình dùng thuốc.
2. Phương pháp: mô tả cắt ngang.
3. Thời gian và địa điểm nghiên cứu
Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 8/2010 đến tháng 4/2012
Địa điểm nghiên cứu: Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai.
4. Quy trình
Hỏi bệnh, khai thác tiền sử
Tiền sử dị ứng thuốc bản thân và gia đình.
Các bệnh dị ứng kèm theo như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa.
Đặc điểm sử dụng thuốc (dùng thuốc gì trước khi vào viện, dùng thuốc có theo chỉ định của bác sỹ hay tự mua thuốc, đường dùng thuốc: uống, tiêm, khí dung, bôi da, hay tra mắt?).
- Các biểu hiện sớm của dị ứng thuốc là gì? Thời gian xuất hiện triệu chứng sau khi dùng thuốc: trong vòng vài phút, trong 1 giờ đầu, trong ngày đầu hay sau vài ngày. Thái độ xử trí ban đầu của bệnh nhân sau khi bị dị ứng: uống, Đông y, đi khám bác sỹ tư hay vào viện?.